#3: 0.01 và 0.25 ^ 4

Cực kì xuất sắc một lĩnh vực, hay xuất sắc nhiều lĩnh vực?

Hello mọi người.

Cuối tuần thứ 7 vừa rồi mình có một buổi offline với cộng đồng wecommit. Đây là cuộc off hàng tuần của cộng đồng, nơi mà anh chị em trong nhóm chia sẻ và trao đổi kiến thức kinh nghiệm với nhau.

Buổi vừa rồi mình có cơ hội làm host cùng 1 anh trong cộng đồng. Chủ đề mình đã chia sẻ là làm sao để tập viết. Viết có lẽ là một trong những kĩ năng quan trọng thời hiện đại này, thời mà AI đang len lỏi mọi ngóc ngách trong cuộc sống và chuyện viết cũng không ngoại lệ. Mình làm lập trình viên, cái nghề mà trước kia mình từng nghĩ rằng nó chẳng dính dáng gì chuyện viết :D. Cơ mà mình đã lầm, bởi công việc của mình là viết code, thế nên vẫn gọi là viết. Mình tin rằng những người viết code chưa chắc đã viết giỏi, nhưng những người viết giỏi thì chắc chắc viết code rất tốt. Viết vốn dĩ là công cụ phản ánh tư duy mà.

Tại sao mình lại lấy ví dụ về chuyện viết? Chuyện là trong buổi nói chuyện, anh Huy - admin trong cộng đồng wecommit - đã nói 1 điều mà ngẫm lại mình thấy rất đúng. Anh ấy nói là:

Đừng cố gắng trở thành top 1% trong chuyên môn (hay bất kì lĩnh vực gì), việc này cực kì khó và mất rất nhiều thời gian nếu bạn không phải thiên tài. Thay vào đó hãy cố gắng đạt được top 25% ở trong nhiều lĩnh vực khác nhau, tổng hòa nhiều thứ 25% đó sẽ tạo nên 1%.

Hãy thử tính một phép tính đơn giản như sau: nếu bạn thuộc top 25% ở 4 lĩnh vực khác nhau, tức tỉ lệ những người giống như bạn là 0.25 × 0.25 × 0.25 × 0.25 ~ 0.004 < 0.01. Bạn thấy đó, dù bạn không phải thuộc top 1% những người giỏi nhất, bạn vẫn có thể thuộc top 1% những người giỏi nhất dù cách làm có hơi khác một chút. Khi giao thoa của nhiều cái top 25% sẽ cho ra kết quả rất bất ngờ. Một kĩ sư giỏi không chỉ bởi mỗi chuyên môn, bên cạnh đó họ còn có những thứ khác cũng giỏi như là quản lý, phẩm chất, những mối quan hệ. Tổng hòa những yếu tố đó mới là thứ giúp ta có lợi thế hơn so với người khác.

Thế nếu mình quyết tâm trở thành người cực giỏi được không, ví dụ top 1% DBA (Database Administrator) Việt Nam? Thực ra thì điều này rất khó để xác định được như thế nào là 1%. Sự cạnh tranh là vô cùng khốc liệt, liệu bạn có thể giỏi đến mức đánh bật 1000 ông DBA khác được hay không. Nếu bạn không phải là một nhà nghiên cứu thiên tài, có tiềm lực tài chính, nghiên cứu trong một lĩnh vực rất hẹp, thì điều này dường như bất khả thi. Càng lên cao, học sẽ càng khó. Từ 0 lên 8 có thể chỉ mất ít thời gian, nhưng từ 8 lên 10 thì phải đầu tư rất nhiều thời gian công sức. Giống như nguyên tắc 80/20:

Nguyên tắc 80/20: Bỏ 20% công sức cho đúng việc có thể cho đến 80% kết quả.

Tóm lại theo mình có nhiều lí do để không nên cố gắng trở thành top 1% nếu bạn có một hoặc nhiều đặc điểm sau:

  • Bạn không phải là thiên tài.

  • Bạn không có tiềm lực tài chính.

  • Bạn không có nhiều thời gian.

Nếu bạn cũng là một dev cỏ giống mình giữa hàng ngàn dev khác, mình nghĩ rằng vẫn có cơ hội để khác biệt với những người còn lại. Ngoài chuyên môn ra, hãy rèn luyện nhiều thứ mà bổ sung nữa: như là mối quan hệ, phẩm chất, các kĩ năng quản lí, kĩ năng viết,… Các kĩ năng “bên lề” đó sẽ là công cụ cực mạnh hỗ trợ cho kĩ năng chuyên môn của bạn. Nói vậy không có nghĩa là bạn xem nhẹ chuyên môn, bạn vẫn phải học chuyên môn, tuy nhiên đến điểm mà kiến thức đó đủ giải quyết 80% trường hợp thực tế, vậy là đủ.

Còn bạn, bạn nghĩ sao, hãy chia sẻ với mình ở phần bình luận nhé.


Cảm ơn các bạn theo dõi, chúc các bạn một ngày cuối tuần vui vẻ!